Doanh Nghiệp “Gánh Chịu” Tác Động Tiêu Cực Từ Dịch Covid-19
Dù hầu hết doanh nghiệp châu Âu đang chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 tại Việt Nam, tuy nhiên cộng đồng này cho biết vẫn duy trì hơn 50% công suất và tự tin sẽ nhanh chóng phục hồi khi dịch bệnh được khống chế và doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ cần thiết.
Doanh Nghiệp “Gánh Chịu” Tác Động Tiêu Cực Từ Dịch Covid-19
Kết quả khảo sát mới nhất do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Decision Lab thực hiện công bố hôm nay, 8.4, cho thấy đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đáng kể đối với cộng đồng doanh nghiệp châu Âu.
Chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI) thể hiện đánh giá của các lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu về môi trường thương mại, đầu tư và triển vọng kinh doanh tại Việt Nam đã giảm xuống mức thấp nhất 26% trong quý đầu tiên của năm 2020, tương đương giảm 51 điểm từ mức 77% ghi nhận vào cuối năm 2019.
Hơn 90% lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu cho biết Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động, với hơn 50% cho biết ở mức “đáng kể”, so với tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó chỉ ở mức 9% trong cùng kỳ đánh giá năm ngoái.
Xét theo khối ngành, khu vực dịch vụ chịu tác động mạnh nhất trong quý I, với 56% doanh nghiệp cho biết đang “chịu đau”; tiếp theo là lĩnh vực nguyên liệu thô và sản xuất. Theo các doanh nghiệp thành viên EuroCham, tác động đáng kể nhất là làm sụt giảm khách hàng và đơn hàng, làm sụt giảm doanh thu và đứt gãy chuỗi cung.
Gần 80% doanh nghiệp cho biết đang phải gánh chịu chi phí cao hơn khi thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ công nhân và ngăn chặn sự lây lan của vi-rút. Tuy vậy họ cũng đang nỗ lực hạn chế chi phí phát sinh bằng cách yêu cầu người lao động làm việc tại nhà (80% doanh nghiệp áp dụng), ngừng tuyển dụng nhân viên mới (54%) và trì hoãn các dự án mới (51%).
Đánh giá triển vọng quý II.2020, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nguyên liệu thô và sản xuất còn có cái nhìn bi quan hơn về môi trường kinh doanh so với ngành dịch vụ, với tỷ lệ lần lượt là 82% và 72% nhận định tiêu cực về tình hình quý tới.
Điểm sáng của báo cáo của Eurocharm nằm ở khâu vận hành, khi các doanh nghiệp khẳng định vẫn đang duy trì được hơn một nửa năng suất. Điều này đồng nghĩa họ sẽ nhanh chóng phục hồi khi dịch bệnh được khống chế và doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ cần thiết từ các cơ quan ban ngành.
4/5 lãnh đạo cũng tự tin có thể giữ nguyên 70% lực lượng nhân sự trong quý tới nếu tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Tuy vậy, hơn 50% cho biết mình cần ít nhất sáu tháng để quay trở về guồng công việc bình thường.
Các thành viên Eurocharm cũng thể hiện niềm tin vào các biện pháp đã được chính phủ Việt Nam đưa ra, chẳng hạn chính sách hoãn thuế và tiền thuê đất (53%), tạm đóng bảo hiểm xã hội cho các công ty đang chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh (50%).
“Đại dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng tạo ra những thách thức chưa từng có đối với các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực và quy mô. Do đó, việc sớm đưa ra những biện pháp mạnh mẽ nhằm hỗ trợ cả doanh nghiệp nội địa và nước ngoài cùng vượt qua cơn bão này để trở lại hoạt động kinh doanh càng sớm càng tốt,” chủ tịch EuroCham Nicolas Audier chia sẻ trong thông cáo.
Thách thức và khó khăn đặt ra đối với doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh
ức ép về cạnh tranh, thanh lọc ngày càng gia tăng cộng thêm cú sốc về kinh tế do Covid-19 gây ra đã khiến cho nhiều doanh nghiệp “chao đảo”. Doanh nghiệp trong các nhóm ngành bị ảnh hưởng trực tiếp như du lịch, hàng không, nhà hàng, khách sạn, giáo dục,… đã rơi vào tình trạng “ngủ đông” trong 3 tháng vừa qua. Doanh thu của các doanh nghiệp trong quý I năm 2020 và dự báo cả năm năm 2020 bị sụt giảm mạnh, thậm chí thua lỗ. Các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư bị ngưng trệ, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các quý, năm tiếp theo. Nhiều doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo kết quả khảo sát gần 130.000 doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện vào tháng 4 vừa qua cho thấy: Khoảng 86% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Các doanh nghiệp có quy mô càng lớn thì tỷ lệ chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 càng cao. Doanh thu quý I năm 2020 của các doanh nghiệp giảm mạnh xuống còn 74,1% so với cùng kỳ năm. Mặc dù doanh thu bị giảm mạnh so với kế hoạch đề ra, các doanh nghiệp vẫn phải gánh chịu các khoản chi phí hàng ngày như chi trả lương và các khoản chi phí liên quan cho người lao động, chi phí lãi vay, thuê mặt bằng… Khó khăn về thị trường, nguồn thu, dòng tiền đã khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải sử dụng các biện pháp liên quan đến lao động: gần 30% doanh nghiệp áp dụng giải pháp cắt giảm lao động; trên 21% doanh nghiệp cho lao động nghỉ không lương và gần 19% doanh nghiệp giảm lương lao động.
Với những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh Covid-19 cùng với tác động cộng hưởng từ những yếu tố khác, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm 2020 lần đầu tiên có sự sụt giảm so với các kỳ 4 tháng đầu năm trong giai đoạn 2015-2020 (giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2019). Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 4 tháng đầu năm 2020 đạt 11,8 tỷ đồng (giảm 17,9% so với cùng kỳ năm 2019); quy mô doanh nghiệp bị thu hẹp; số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng mạnh (tăng 33,6% so với cùng kỳ 2019).
Mặc dù hiện nay, tình hình dịch bệnh trong nước bắt đầu có những dấu hiệu tích cực, tuy nhiên trên thế giới, dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến hết sức phức tạp, kéo dài, đặc biệt các nước là đối tác thị trường quan trọng của Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu,… Do đó, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị vẫn chưa thể khắc phục ngay trong thời gian tới, sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp, đặc biệt những doanh nghiệp có đầu vào, đầu ra phụ thuộc vào thị trường quốc tế, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu như dệt may, da giầy, du lịch, hàng không, nhà hàng, khách sạn, logistics… Đồng thời, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các quốc gia đang tìm cách giảm thiểu phụ thuộc vào một thị trường, dẫn đến thay đổi dòng thương mại toàn cầu, làm suy giảm các thị trường mới nổi phụ thuộc vào xuất nhập khẩu. Sau dịch, các doanh nghiệp FDI lớn có xu hướng chuyển cấu trúc lại hệ thống doanh nghiệp cung cấp nguyên vật liệu để chủ động hơn, lựa chọn địa điểm đầu tư mới thỏa mãn những điều kiện về khoa học công nghệ, môi trường sinh thái và dịch vụ y tế an toàn.
Bên cạnh đó, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, hiện tượng mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, nguy cơ các doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam (doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn, đã có thị phần nhất định, có vai trò dẫn dắt một số ngành kinh tế quan trọng) có thể sẽ bị thâu tóm bởi các nhà đầu tư nước ngoài với giá rẻ.
Xem thêm: